Chia Sẻ Cải Cách Ngôn Ngữ Tiếng Việt Và Phản Ứng Bầy Đàn Của Mạng Xã Hội

Thảo luận trong 'Bản Tin Mỗi Ngày' bắt đầu bởi Tuy Hòa News, 28/11/17.

  1. Tuy Hòa News

    Tuy Hòa News Biên Tập Viên

    Tham gia ngày:
    12/3/15
    Bài viết:
    399
    Đã được thích:
    67
    Điểm thành tích:
    28
    Tuy Hòa Plus - Chuyện cải tiến Tiếng Việt và số đông man rợ.

    Đầu tiên phải nói, tôi không có ý định bàn gì vì tính khả thi, chất lượng, hiệu quả và hệ quả của toàn bộ đề xuất cải tiến phụ âm Tiếng Việt của PSG Bùi Hiển - dù thật sự trong thâm tâm có đôi chút cảm tình với ý tưởng và mục tiêu của ông, nhưng bản thân tôi không có đủ chuyên môn trong lĩnh vực tương ứng để bàn tới các yếu tố nói trên.

    Những dòng này là để nói về quan sát của cá nhân tôi đối với cách mà xã hội - hoặc hẹp hơn là xã hội trên mạng - đang phản ứng đối với một đề xuất có thể nói là nặng về học thuật và cực kỳ "ngược thác", cực kỳ tham vọng.

    Con người, như mọi loài động vật khác - có bản tính bầy đàn. Dù cho có là loài động vật phát triển cao cấp nhất trên Trái Đất đi nữa thì con người vẫn chưa thể giũ bỏ được hoàn toàn bản tính này. Bởi vậy, mới có các khái niệm về phản ứng của số đông, hiệu ứng đám đông và trở lực của đám đông.

    Một trong những biểu hiện rất rõ ràng của đám đông - hay bầy đàn - đó là sự sợ hãi và phản ứng mạnh mẽ với những thứ quá mới mẻ, phản trực quan, hay là: nằm ngoài phạm vi hiểu biết thông thường của đám đông.

    Lấy ví dụ: một con mèo lần đầu thấy mình trong gưong thì luôn hoảng lên và xù lông.

    Một ví dụ khác: Nicolaus Copernicus bị ruồng bỏ và treo cổ vì đưa ra thuyết nhật tâm.

    Một ví dụ khác nữa: Galileo và Bruno về việc Trái Đất tròn.

    Và cuối cùng, sẽ là rất khó để những người sống trong không gian 3 chiều cộng thêm chiều thời gian như chúng ta hiểu được các lý thuyết về Vũ trụ đa chiều, lý thuyết siêu dây hay đi ngược chiều thời gian. Đa số những ai lần đầu tiếp cận với các khái niệm và kiến thức quá xa lạ với mình đều sẽ có chung một trạng thái mù mờ và gần như có một "tiếng vọng trong lòng - inner voice" phản kháng lại các nhận thức này.

    Số đông vốn dĩ luôn luôn hành xử và phản ứng theo một lề thói như vậy, đó là bản tính của động vật, bậc cao hay thấp, không phân biệt.

    Chính vì hạn chế này, những nhà cải cách, những nhà cách mạng trong lịch sử nhân loại thường gặp rất nhiều khó khăn. Họ không thể dễ dàng tìm được sự đồng tình, không được ủng hộ bởi số đông. Họ thường đơn độc đi tìm kiếm đáp án cho câu hỏi của mình và chịu đựng mọi vùi dập từ chính xã hội xung quanh. Có thể gọi họ là những kẻ đi ngược dòng.

    Người đi ngược dòng vốn là phải chịu cảnh sóng dập, và vốn không thể trông mong vào phản ứng tích cực của số đông - những người sẽ hành xử như đã nói ở trên - như một điều tất yếu.

    Có điều, cái sẽ phản ánh mức độ văn minh và nền tảng giáo dục của một xã hội - hoặc một cá nhân, là cách thức họ đưa ra phản ứng của mình. Có dựa trên cơ sở suy nghĩ khoa học hay không, có dựa trên tìm hiểu và cân nhắc hay không, có lật lại vấn đề và phản biện hay không, có đưa ra được luận điểm tưong ứng hay không và phần nào đó là có thái độ lắng nghe và cầu thị tốt hay không.

    Lấy ví dụ - nếu bạn là một học sinh tốt, được giáo dục bài bản và đặc biệt có critical thinking (tư duy phản biện) - thì khi nhận được kết quả của một bài kiểm tra hoàn toàn nằm ngoài mong chờ của mình, ở đó bạn sai gần như toàn bộ, việc đầu tiên bạn làm sẽ không phải là giãy nãy lên và tìm tới thầy cô để kiện cáo về điểm số. Phản ứng đúng sẽ là, ngồi xuống cân nhắc và xem xét lại từng câu trả lời để biết mình sai ở đâu, sửa như thế nào, đánh giá lại mọi đáp án, ghi chú lại các thắc mắc và sẵn sàng khiếu kiện với các lý lẽ đầy đủ.

    Đó là mặt tốt của giáo dục, nó dạy - và cần phải dạy - cho con người cách phản ứng đúng đắn trước một thông tin, cách phản biện và cách học hỏi.

    Quay lại với trường hợp "Cải tiến phụ âm Tiếng Việt", cách mà số đông xã hội (trên mạng) ở Việt Nam phản ứng hiện nay cho thấy (hay phản ánh) rằng: con người Việt Nam (trên mạng) không có phản ứng và tư duy đúng đắn khi tiếp cận hay được giới thiệu với một vấn đề mới, nằm ngoài phạm vi kiến thức thông thường, hay nằm ngoài thói quen nhận thức của mình.

    Nếu bạn nhận thấy mình chê bai đề xuất PGS Bùi Hiển với các dấu hiệu sau:

    - Không đưa ra luận điểm cá nhân nào tương ứng với chủ đề: hạn chế của ngôn ngữ Tiếng Việt, cách giải quyết các hạn chế này, ngôn ngữ học, các tính chất của ngôn ngữ, chuyên môn về giáo dục và sử dụng ngôn ngữ trong giáo dục...

    - Sử dụng công cụ translator được Phan An viết và đưa lên mạng để tạo ra các câu, các đoạn văn với mục đích châm biếm và bôi nhọ sự kỳ quặc - ở đây có thể xem như mới mẻ - của đề xuất nói trên, mà không kèm theo lý lẽ nào có tính lý luận - aka hoàn toàn cảm tính.

    - Công kích cá nhân.

    - Chê bai mà chưa hề tìm hiểu và đánh giá lại các luận điểm trong đề xuất (Google có thể giúp - dù không quá tốt) một cách có đầu tư thời gian và nghiêm túc (dù ít dù nhiều).

    - Các nhận xét cảm tính khác.

    Thì khả năng cao bạn cũng rơi vào dòng chảy của đám đông. Và như đã nói ở trên, điều này phản ánh chất lượng tư duy, nền tảng giáo dục của bạn nói riêng và xã hội bạn đang sống nói chung - ở đây là phạm vi Việt Nam - nước sử dụng Tiếng Việt là ngôn ngữ chính.

    Một lần nữa, phải nhắc lại rằng, tôi không nói ra sự ủng hộ hay khen ngợi hay đánh giá gì với đề xuất của PSG Bùi Hiển. Có thể ông sẽ là một Galileo, có thể ông sẽ chìm vào cát bụi thời gian như rất rất nhiều kẻ khác từng cố đi ngược thác trên cõi đời này.

    Kẻ đi ngược thác là kẻ cô độc và thường không mấy khi có kết cục vinh quanh. Nhưng dù có bị phản đối ra sao, nếu có những dấu hiệu trên trong tư duy của số đông thì ít nhất sẽ còn thấy có động lực và hy vọng để cố gắng tiếp. Phản ứng thì đã đành, nhưng mỗi người phản ứng và mỗi cách phản ứng có giá trị riêng.

    Nhân loại không phát triển dựa trên tư duy và phản ứng của số đông - nhân loại được chèo lái bởi những kẻ đi ngược dòng.

    Vì vậy, khi thấy có kẻ nào đó xung quanh bạn đang cố gắng đi ngược dòng - dù bạn có cảm thấy lố bịch tới mức nào đi nữa - xin đừng cười cợt. Họ xứng đáng nhận được ít nhất là một lời khích lệ.

    Văn vẻ hơn một chút, ví dụ như nếu bạn thích Leonidas lấy 300 chọi với hàng vạn, thích một anh hùng lấy một chọi hàng trăm. Thì bạn cũng nên quý mên đôi chút những kẻ đi ngược dòng, cuộc chiến của họ - cũng chính là chống lại nhận thức của số đông.

    Nếu quá dài và bạn ngại đọc, xin tóm tắt lại thế này: ... chửi bác PSG Bùi Hiển một cách vô lối và thiếu suy nghĩ là hoàn toàn bầy đàn và thiếu văn minh.

    Xin hết.
     

CLICK ỦNG HỘ PHÚ YÊN